Tiểu Thuyết

[Review] Dòng sông kỳ bí (Dennis Lehane) – Ám ảnh về sự lạm dụng

dong-song-ky-bi dennis lehaneDòng sông kỳ bí là cuốn sách về điều ra phá án, không có nội dung chính về lạm dụng tình dục trẻ em, cũng không có việc mô tả những hành vi lạm dụng đó. Tuy nhiên câu chuyện bắt đầu từ một vụ lạm dụng tình dục trẻ em và xuyên suốt cả câu chuyện, tuy tác giả không trực tiếp nhắc đến nhưng bạn có thể sẽ thấy được sự ám ảnh và hệ quả của việc một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ ảnh hường đến sự phát triển và trưởng thành về tâm lý, sinh lý và nhân cách của nó lớn như thế nào.

Ba người bạn từ thuở thiếu thời: Dave Boyle, Sean Devine và Jimmy Marcus, họ đã cùng học cùng chơi, cùng có một tuổi thơ khó quên, nhưng rồi họ thực sự rẽ sang các ngả đời khác nhau sau khi tất cả cùng không chịu đựng nổi vụ Dave bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục và trốn được về. Sean đã trở thành cảnh sát, Jimmy đi tù rồi thành chủ một cửa hàng nhỏ, Dave trở nên trầm lặng hơn, với một cuộc sống bấp bênh, mờ nhạt. Mờ nhạt như cả mối liên kết giữa họ với nhau. Cho đến một ngày, con gái lớn của Jimmy bị sát hại, Sean bước vào cuộc điều tra và Dave trở thành nghi can số 1…

(Dòng sông kỳ bí – Lời giới thiệu)

Phần tóm tắt khá hay và vừa vặn, mô tả đúng nội dung câu chuyện và đủ để cho người đọc tò mò muốn biết diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào.

Khi đã đọc tóm tắt câu chuyện để rồi bắt đầu đọc cuốn sách, bạn sẽ có cảm giác bao trùm lên cả cuốn sách là một không khí hơi u ám và nặng nề vì biết trước sẽ có 1 vụ án mạng xảy ra. Cùng với phong cách viết rất thực tế và trần trụi đúng như cuộc sống, vẫn mang tính chất văn học nhưng không hề “tiểu thuyết hóa, bạn lại càng thấy cái không khí đó rõ ràng hơn nữa.

Thế nhưng khi vụ án đã mở ra và công việc điều tra bắt đầu thì những diễn biến tiếp theo lại không nặng về điều tra phá án, suy luận, chứng cứ, cũng không có yếu tố kinh dị (nếu chỉ tính về yếu tố kinh dị trong điều tra phá án thì chắc khó có tiểu thuyết nào vượt qua được các tác phẩm của Thomas Harris), có một vài phân đoạn hồi hộp và hầu như không có 1 pha gay cấn nào. Cuốn sách chủ yếu đi sâu vào khai thác và phân tích tâm lý nhân vật, những suy nghĩ, đấu tranh và dằn vặt đối với những  vấn đề bế tắc trong cuộc sống.

Cũng giống như các cuốn truyện về tâm lý, các nhân vật trong Dòng sông kỳ bí cũng thường xuyên có những suy nghĩ và triết lý, nhưng đó là những triết lý rất đời thường không phải để chứng tỏ mình giỏi hay sâu sắc mà vì nhu cầu muốn được nói ra để giải tỏa những suy nghĩ trong lòng. Vậy nên vẫn biết là triết lý nhưng giống như tâm sự vậy, tạo cho người đọc cảm giác khá dễ chịu.

Cả công viên chìm ngập trong trong một thứ không khí mà anh vẫn thấy xuất hiện ở một số vụ trọng án mà anh tham gia điều tra trong những năm gần đây, một thứ không khí của định mệnh, một thái độ chấp nhận, dù nặng nề, đối với số phận rủi ro của người khác.

Tất cả bọn họ khi bước chân vào công viên đều biết rằng nạn nhân đã chết, nhưng một phần nào đó vẫn nuôi hy vọng, dù vô cùng mong manh, và Sean hiểu rất rõ điều này. Đó chính là công việc của anh – tới hiện trường, phát hiện ra chân tướng sự thật rồi tìm mọi cách để hy vọng có thể chứng minh rằng mình đã sai.

Và thông thường, điều tệ hại nhất trong mỗi vụ án lại không phải là nạn nhân. Nạn nhân thì dù sao cũng đã chết rồi, chẳng còn đau đớn gì. Đau đớn nhất chính là người thân của họ, những người phải đối mặt với thực tế phũ phàng ấy. Họ giống như những xác chết di động, tinh thần suy nhược, cõi lòng tan nát, sống khốn khổ suốt quãng đời còn lại trong một cơ thế trống rỗng, tuy máu huyết lưu thông với đầy đủ các bộ phận nhưng không có linh hồn, trơ khấc trước nỗi đau và chỉ ngộ ra một điều là trên đời này, những điều khủng khiếp nhất, đôi khi vẫn xảy ra.

(Sean Devine – Dòng sông kỳ bí)

Dòng sông kỳ bí không phải viết về cái gì đó cao siêu nhưng tôi vẫn cảm nhận được chiều sâu của tác phẩm, và cũng phải nói thật là lâu rồi mới đọc một cuốn truyện mà lại có cảm giác này.

Điều tệ hại nhất của việc chết đi là Celeste và Michael sẽ tiếp tục sống. Cái chết của anh có thể khiến họ đau lòng trong một thời gian ngắn ngủi nhưng rồi họ sẽ hồi phục và bắt đầu một cuộc sống mới vì đó là cách mà người ta vẫn làm hàng ngày. Chỉ có trong phim mới tồn tại những người không vượt qua được cái chết của người thân, cuộc đời họ cũng đóng băng như những chiếc đồng hồ hỏng không còn chạy nữa. Trong đời thực, cái chết chỉ là một thứ vô nghĩa, một sự kiện mà trừ bản thân người chết thì tất cả những người khác sẽ nhanh chóng lãng quên

Đôi khi Dave vẫn tự hỏi có khi nào người chết nhìn xuống những người mà họ bỏ lại phía sau và bật khóc vì nhận thấy người thân của mình vẫn tiếp tục sống một cách dễ dàng mà không cần có họ

(Dave Boyle – Dòng sông kỳ bí)

Một điểm mà tôi không thực sự hài lòng ở cuốn sách này đó là cái kết của câu chuyện. Thủ phạm gây án khá bất ngờ với lý do, động cơ và mục đích phạm tội cũng… bất ngờ không kém, và có phần hơi hụt hẫng đối với tôi. Tuy vậy thì đó mới đúng là thực tế, nó luôn trần trụi và phũ phàng như vậy. Đọc cái kết của truyện mà tôi vẫn hy vọng tác giả sẽ viết phần 2 cho câu chuyện này.

Tuy vậy thì cuốn sách nào cũng mang lại cho người đọc một thông điệp ý nghĩa, đối với Dòng sông kỳ bí thì thông điệp đó là những người có hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau sẽ có thể có những suy nghĩ, quan điểm trái ngược nhau mà bản thân họ cũng không thể hiểu được đối phương,  ý nghĩa về quy luật nhân quả có phần khắc nghiệt của cuộc sống, cảm giác mất mát người thân yêu nhất để rồi nhận ra ta đã dành quá ít thời gian ở bên gia đình, người thân, những người bạn yêu quý. Và cuối cùng, là ám ảnh xuyên suốt câu chuyện về sự lạm dụng tình dục đối với trẻ em

Nếu như có một hòn đảo dành cho bọn ấu dâm, hiếp dâm trẻ con. Mỗi tuần, máy bay tới thả thức ăn vài lần. Xung quanh đó, chúng ta cài mìn trên mặt nước. Không ai có thể thoát ra ngoài được. Phạm tội lần đầu tiên cũng kệ, cho sống cả đời trên đảo luôn. Xin lỗi các vị, nhưng không thể mạo hiểm để các vị trốn ra ngoài và đi đầu độc người khác. Vì đó là một thứ bệnh lây truyền, cậu biết đấy. Cậu mắc bệnh vì có người đã làm thế với cậu. Và cậu lại truyền nó sang kẻ khác. Giống như bệnh hủi. Tôi cho là nhốt tất cả bọn chúng lại trên hòn đảo đó thì chúng sẽ không có cơ hội truyền bệnh. Mỗi thế hệ lại có bớt đi những kẻ như thế. Sau vài trăm năm chúng ta biến hòn đảo thành một địa điểm du lịch kiểu Club Med. Trẻ con được kể về những tên biến thái đó giống như bây giờ nghe chuyện ma, giống như một giai đoạn mà chúng ta đã phát triển qua.

(Trung sĩ Whitney – Dòng sông kỳ bí)

Cuốn sách của NXB Hội nhà văn, do Nhã Nam phát hành, người dịch: Quỳnh Lê. Tôi cho rằng đây là một bản dịch xuất sắc.

Bạn có thể đặt sách online có giảm giá ở những trang đặt sách uy tín sau:

dong-song-ky-bi dennis lehane

DÒNG SÔNG KỲ BÍ)

Tác giả: DENNIS LEHANE

NXB Hội nhà văn

ĐẶT SÁCH ONLINE

Giảm đến 25%

(Giá bìa: Từ 115.000đ)

  • Nếu hết hàng bạn vui lòng chọn link khác nhé.
  • Chọn mã miễn phí vận chuyển, giảm giá để nhận được sách chất lượng và giá rẻ nhất.

Bạn đã đọc cuốn sách này chưa? Nếu có thời gian, hãy để lại 1 bình luận dưới đây nhé.

Bạn cũng có thể tham khảo và cùng bình luận những cuốn sách hay khác của chúng tôi tại ĐÂY

Nếu quan tâm đến các bài viết của chúng tôi, bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.

5/5 - (4 bình chọn)

Bạn cũng có thể thích...

4 Bình luận

  1. Tôi có xem phim chứ chưa xem qua sách, và tôi thấy cơ bản phim đã truyền tải được nội dung như bạn review. https://vuviphimmoi.com/dong-song-toi-ac/
    Chúc bạn có thêm nhiều review!

    1. Cảm ơn bạn nhé, nhờ bạn tôi mới biết là những cuốn sách này đã được dựng thành phim. Tôi sẽ lưu lại link bạn gửi và có thời gian nhất định sẽ xem. Cũng mong bạn chia sẻ nhiều hơn về các bộ phim được chuyển thể từ truyện nhé. 🙂

  2. đọc review hấp dẫn quá

    1. Hehe bạn thử đọc online vài đoạn xem có thích không 😛

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *